Header Ads Widget

Cạo gió, giác hơi trong điều trị bệnh theo đông y

Đông y từ xa xưa đã phổ biến sử dụng dụng những phương pháp không dùng thuốc như cạo gió, giác hơi vào trong quá trình điều trị bệnh. Cho đến ngày nay, các liệu pháp này vẫn được ưa chuộng và được người dân ứng dụng nhiều trong cuộc sống, với nhiều kết quả tích cực. Dù cách trị liệu này phổ biến, nhưng liệu chúng ta đã hiểu đúng về các phương pháp cạo gió, giác hơi? Hãy cùng DongY.net tìm hiểu về phương pháp cổ truyền này nhé!

Cạo gió là gì?

Khái niệm

Cạo gió hay còn gọi là đánh gió, đánh cảm… là một phương pháp trị bệnh bằng kinh nghiệm dân gian. Cho đến hiện tại, dù chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đánh giá đầy đủ tác dụng của hình thức trị liệu này, nhưng nó vẫn tồn tại và mang lại hiệu quả thực tế cho bệnh nhân. Hơn nữa, cạo gió được ưa chuộng bởi khá an toàn, không đau đớn nhiều, thao tác đơn giản và có thể tận dụng các vật liệu sẵn có tại nhà.

Theo dân gian, khái niệm “gió” được hiểu như là các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều đường khác nhau, làm tổn thương kinh lạc, khí huyết, tạng phủ và gây ra bệnh lý. Một số biểu hiệu bệnh như cảm cúm, nhức đầu, đau mỏi cơ, buồn nôn, mỏi mệt, mất ngủ…

Cạo gió là hình thức sử dụng các tác động vật lý từ những dụng cụ đặc biệt. Chúng có bờ hoặc cạnh hình cung tròn, nhẵn, trơn như đồng tiền kim loại, thìa nhôm, miệng chén…xát lên các bộ phận, vị trí của cơ thể. Ngoài ra, một số nơi còn dùng dược liệu tự nhiên để cạo gió như tỏi, gừng, lá trầu không…Các động tác này được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, thường theo hướng từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.

Đặc biệt, nhằm tăng kết quả trị liệu cũng như giảm ma sát và tổn thương da, trước khi thao tác nên thoa lên vùng cơ thể cần điều trị một lớp mỏng các chất như dầu gió, dầu cù là, rượu trắng,…

Vị trí nào trên cơ thể có thể thực hiện cạo gió?

Tùy theo nhu cầu và bệnh lý khác nhau mà thủ thuật này có thể được thực hiện theo vùng, theo đường kinh lạc…Một số vị trí thường gặp như cổ gáy, lưng, ngực, tứ chi,…

Bên cạnh đó, khi cạo gió chỉ nên dùng lực vừa đủ, cho đến khi vùng da đó đỏ lên thì chuyển sang vùng khác. Mặt khác, không nên đè mạnh, hay cạo đến mức xuất huyết da. Vì điều này vừa không có tác dụng dược lý nào thêm mà còn làm tổn thương vùng da đó.

Phương pháp cạo gió có thể dùng trên các đối tượng nào?

Cạo gió là phương pháp đơn giản có thể áp dụng trên các trường hợp như:

Cảm mạo:

- Gồm triệu chứng như sổ mũi, chảy nước mũi, đau đầu, mỏi cơ, phát sốt, ăn ngủ kém…

- Nguyên nhân thường do tà khí (phong, hàn, thấp…) quá mạnh hoặc sức đề kháng cơ thể giảm sút không chống lại được các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Đau mỏi ở các bộ phận trên cơ thể như cổ gáy, vai, lưng, tứ chi…

Các triệu chứng khác như nhức đầu, chóng mặt, khó tiêu, ngủ không ngon giấc…

Tác dụng của phương pháp cạo gió

Đầu tiên, có thể khẳng định cạo gió hầu như không phải là phương pháp loại trừ nguyên nhân bệnh mà là chữa chứng bệnh. Theo y học cổ truyền, liệu pháp này được ghi nhận có nhiều tác dụng đa dạng như:

- Thông kinh hoạt lạc, hỗ trợ tăng lưu thông tuần hoàn cơ thể. Điều này giúp các kinh mạch, khí huyết đang bế tắc được thông suốt, thúc đẩy trao đổi chất và tăng loại bỏ độc tố, chất thải ra ngoài qua da.

- Huyệt vị nhờ đó cũng được kích thích.

- Làm giảm căng cơ, giảm đau, thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi, giải cảm…

Những tai biến có thể gặp khi cạo gió sai cách

Bất cứ trị liệu nào nếu làm sai cách cũng sẽ mang đến một số rủi ro đáng tiếc. Cạo gió cũng không ngoại lệ, có thể kể đến như:

- Vùng da bị rách, xước, rát hay thậm chí xuất huyết, vỡ mao mạch dưới da…k hiến người bệnh đau và khó chịu nhiều ngày. Nguyên nhân là do thủ thuật thực hiện với thời gian kéo dài và dùng lực mạnh.

- Cạo gió trong môi trường lạnh, gió nhiều, không giữ ấm sau khi thực hiện… dễ khiến tình trạng người bệnh nặng thêm.

- Nếu cạo vào những chỗ nhạy cảm của da, vùng lở loét, vết thương hở, bệnh lý da liễu… cũng làm tình trạng người bệnh xấu đi.

- Sử dụng dụng cụ cạo gió bẩn, không sạch sẽ, sắc nhọn… dễ làm da trầy xước, tăng nguy cơ nhiễm trùng hay các bệnh lây nhiễm khác.

- Nặng hơn cả là trường hợp bị choáng, hoa mắt, vã mồ hôi, sắc mặt nhợt, tay chân lạnh… Cần dừng ngay liệu pháp, cho người bệnh nghỉ tại chỗ, và theo dõi dấu hiệu sinh tồn chặt chẽ. Nếu tình trạng nặng hơn, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở gần nhất để kịp thời xử trí.

Cần lưu ý gì khi chọn phương pháp cạo gió

Thời gian giữa các lần làm liệu pháp nên không nên quá ngắn (cách nhau khoảng 5-7 ngày). Đặc biệt, khi vết “gió” cũ chưa biến mất thì cũng không nên cạo đè lên.

Sử dụng dụng cụ cạo gió sạch sẽ, sát trùng qua trước khi thực hiện.

Hướng làm động tác nên là từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài

Không nên cạo gió trực tiếp vào chính giữa cột sống.

Sau khi cạo gió, nên tránh bị nhiễm lạnh như ăn đồ sống lạnh, ra gió, dầm mưa…tránh làm tăng tình trạng bệnh. Ngoài ra, không nên đi tắm ngay, nên đợi khoảng 30-60 phút sau đó.

Các đối tượng bị giãn tĩnh mạch chi, cơ địa dễ chảy máu,…nên thận trọng. Ngoài ra, một số vị trí trên cơ thể không nên thực hiện liệu pháp như mắt, mũi, tai, rốn…

Theo đông y, đối tượng bị cảm do phong hàn tà, nằm ở biểu thì cạo gió mới hiệu quả. Cụ thể các triệu chứng như sợ lạnh, sổ mũi, chảy nước mũi trong, nhức đầu, mạch phù, có lực…

Giác hơi là gì?

Khái niệm

Giác hơi là phương pháp trị bệnh theo y học cổ truyền, tồn tại từ lâu đời. Lịch sử giác hơi ghi nhận phương pháp này xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại, với dụng cụ ban đầu là sừng động vật, vỏ sò. Theo thời gian, chúng phát triển thêm các chất liệu tiện lợi hơn như tre, trúc, gốm, thủy tinh…để tạo nên bầu hay ống giác.

Đây là liệu pháp đơn giản, độc đáo, được lưu truyền và ứng dụng phổ biến trong nhân dân.

Nguyên lý hoạt động

Phương pháp này có nguyên lý là tạo ra lực hút bằng hơi nóng của lửa hoặc bơm chân không tạo nên một áp suất âm trong lòng bầu giác. Sau khi được đặt lên vùng da cố định, chúng sẽ hút các tổ chức da vào bên trong lòng. Hơn nữa, khi nguội dần, cơ thể xuất hiện vết hằn nổi lên màu đỏ, tím đậm… gọi là “dấu giác”.

Theo quan niệm y học cổ truyền, lực hút này tạo ra dòng chảy được coi là khí (sinh lực) truyền vào cơ thể. Mặt khác, liệu pháp còn ứng dụng nguyên lý âm dương, dùng nhiệt trị hàn.

Quá trình này có mục đích tăng lưu lượng máu đến vùng cần điều trị, nhằm tăng cường sức khỏe.

Phương pháp giác hơi hiện nay

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền y học nói chung và y học cổ truyền nói riêng, đã có nhiều phương pháp giác hơi ra đời và được cải tiến, với nhiều sự tiện ích. Có thể kể đến như:

- Giác hơi “khô”: tạo ra sức nóng từ lửa mà đẩy khí tạo áp lực âm.

- Giác hơi “khí”: tạo ra môi trường chân không trong ống giác bằng cách hút hết không khí qua bơm chuyên dụng.

- Giác hơi “ướt”: Đầu tiên, là chích máu da rồi đặt cốc giác lên vùng da đó. Sau đó, sẽ thấy da được hút lên cùng với máu có thể chảy ra thêm.

Đối tượng nào nên dùng phương pháp giác hơi

Tương tự như cạo gió, giác hơi là phương pháp điều trị phổ biến, có thể chỉ định cho các đối tượng có triệu chứng như: đau mỏi cơ, khớp, cảm lạnh, đau đầu, đầy bụng, khó tiêu, ho, béo phì…

Tác dụng phương pháp giác hơi

Cũng giống như cạo gió, giác hơi là liệu pháp điều trị triệu chứng, với các tác dụng đa dạng.

Theo Y học hiện đại:

- Các kích thích nhiệt độ và cơ học như kéo căng da giúp lỗ chân lông mở ra, kích thích tuần hoàn máu và tạo điều kiện loại bỏ độc tố.

- Bên cạnh đó, kích thích nhiệt độ và môi trường chân không khiến các mô giãn nở, tăng trao đổi oxy và chuyển hóa tế bào.

- Giảm đau: Nghiên cứu trên các tạp chí y học bước đầu ghi nhận được hiệu quả giảm đau cơ, mỏi cổ gáy, lưng của liệu pháp này. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để có thể đưa ra kết luận đầy đủ hơn.

- Hỗ trợ hệ thống hô hấp: cải thiện các triệu chứng do cảm lạnh, sổ mũi,…

Theo y học cổ truyền:

- Hỗ trợ cân bằng âm dương, thông kinh lạc, khai thông bế tắc, ứ trệ…

- Hành khí, hoạt huyết, giảm đau nhức, ra mồ hôi, giải độc, thư giãn…

Những tai biến có thể gặp khi giác hơi sai cách

Nếu dụng cụ khi giác hơi không được khử trùng sạch sẽ sẽ dễ mắc các bệnh lây nhiễm.

Nếu nhiệt sử dụng quá nóng hoặc làm tái đi tái lại trên vùng da nhiều lần, thời gian làm quá lâu… có thể gây ra mảng bầm tím, bỏng, sẹo…thậm chí nhiễm trùng da.

Phụ nữ có thai nếu giác hơi ở vùng lưng dưới hay bụng có thể gây sẩy thai, sinh non.

Sau khi giác hơi mà không giữ ấm, thực hiện trên vùng da lở loét, tổn thương… dễ làm tình trạng bệnh nặng thêm.

Một số ít trường hợp có triệu chứng choáng, hoa mắt, vã mồ hôi, sắc mặt nhợt, tay chân lạnh… Cần dừng ngay liệu pháp, cho người bệnh nghỉ tại chỗ, và theo dõi dấu hiệu sinh tồn chặt chẽ. Nếu tình trạng nặng hơn, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở gần nhất để kịp thời xử trí.

Cần lưu ý gì khi chọn phương pháp giác hơi

Liệu trình giác hơi: 1 lần/ngày, kéo dài 5-7 ngày, mỗi lần khoảng 5-15 phút và 10-15 ống giác tùy vào từng trường hợp bệnh lý.

Lựa chọn dụng cụ với kích thước phù hợp với từng vùng cơ thể. Ngoài ra, cần kiểm tra tính toàn vẹn và sát trùng các thiết bị này trước khi làm.

Trong quá trình thực hiện, nên lựa chọn tư thế hợp lý và thư giãn để đạt hiệu quả tốt. Nếu bị đau, căng, bỏng không chịu được nên dừng trị liệu ngay.

Chọn vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da. Ngược lại, một số vị trí không nên làm phương pháp này như vùng da mỏng, mạch máu nông, nhạy cảm, vết thương hở, lở loét, bệnh da liễu, còn dấu giác cũ…

Gỡ ống giác nhẹ nhàng, để không khí từ từ tràn vào mà không làm đau bệnh nhân.

Giữ ấm, tránh gió lạnh sau khi giác hơi.

Đối tượng không nên sử dụng phương pháp cạo gió, giác hơi

- Phụ nữ đang mang thai, đang hành kinh nguyệt, đặc biệt là thực hiện ở vùng lưng dưới và bụng.

- Trẻ nhỏ: Bởi cấu trúc da của chúng khá mỏng và non nên rất dễ gây tổn thương da.

- Đối tượng mắc bệnh lý về máu như bệnh giảm tiểu cầu, xuất huyết, bệnh bạch cầu, dễ chảy máu…

- Bệnh lý cấp cứu, bệnh ngoại khoa, suy đa cơ quan, bệnh da liễu, suy giảm miễn dịch…

- Đối tượng bị cảm do phong nhiệt, cảm nắng, với các triệu chứng như: sốt nóng, ra mồ hôi, ho đàm vàng, miệng khô khát, nước tiểu vàng… không nên cạo gió

Theo đông y, người bị trúng phong, miệng méo lệch, tay chân yếu, nói khó… không nên cạo gió, giác hơi. Bởi cách này làm tăng nguy cơ xuất huyết, huyết áp không ổn định, làm tăng tình trạng bệnh.

Như vậy, dù còn nhiều tranh cãi và mâu thuẫn về ứng dụng các phương pháp cạo gió, giác hơi trong điều trị bệnh, nhưng hầu như không thể phủ nhận được các tác dụng tuyệt vời mà chúng mang lại trong thực tế. Thế nhưng, để có thể hạn chế các tai biến không mong muốn, bạn hãy tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn nhé.

Nguồn: DongY.net